Ai bồi thường cho dân vụ cá chết trên sông Bưởi?

2025-01-17 20:12:57

Người dân nuôi cá lồng bè trên sông Bưởi thiệt hại nặng vì cá chết

Sau 1 đêm, tiền tỷ trôi sông

Như Báo Giao thông đã đưa tin, từ ngày 4 - 7/5, đoạn sông Bưởi chảy qua địa bàn các xã: Thạch Lâm, Thạch Quảng, Thành Mỹ và Thành Vinh (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) xảy ra hiện tượng hàng tấn cá chết nổi trên sông; Nước sông thì biến màu đục, sủi bọt và bốc mùi.

Anh Nguyễn Văn Tuấn (thôn Đồng Luật, xã Thành Mỹ) người nuôi cá trên sông Bưởi cho biết: “Khoảng 1h sáng 6/5 ra thăm lồng cá tôi phát hiện cá có những biểu hiện nổi lập lờ trên mặt nước, sủi bóng nước và đến 8h cá chết nhiều. Ngày bình thường nước sông trong lắm nhưng thời điểm phát hiện cá chết thấy nước đổi màu, có mùi hôi nồng. Cá nhà tôi nuôi con nhỏ được 2 -3 kg, có con lớn nhất được 7 kg, ước tính thiệt hại khoảng hơn 1 tạ cá”.

Ông Nguyễn Xuân Huy, Chủ tịch UBND xã Thành Vinh cho biết: “Ước tính ban đầu có hơn 10 tấn cá nuôi của người dân bị chết, chúng tôi đang cho xử lý để chuẩn bị tiêu hủy số cá trên”. Với số lượng cá như vậy mà nhân với giá dao động khoảng 80.000. - 100.000 đồng/kg, người dân nuôi cá lồng ở Thành Vinh đã thiệt hại trên dưới 1 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Báu (thôn Bãi Cháy, xã Thành Vinh) đau xót kể: “Nhà tôi nuôi cá 4 năm nay rồi. Gia đình vay lãi 30 triệu đồng, giờ cá chết hết không biết làm sao mà trả được, nhà có 5 nhân khẩu chỉ làm nghề nuôi cá để kiếm sống qua ngày. Từ tối 6/5 nước bắt đầu có mùi thối, đụng vào thì ngứa, gia đình đã làm nhiều biện pháp nhưng không có kết quả. Đến 24h cá bắt đầu chết dần và đến 8h sáng hôm sau cá chết hết”. Cùng chung cảnh ngộ, ông Lê Văn Vê (ở thôn Lộc Phượng, xã Thành Vinh) bùi ngùi: “Khoảng 21h đêm 6/5 thấy nước có mùi lạ, tôi ra kiểm tra thì cá đã nổi đầu rồi chết dần. Tôi có 2 lồng cá trắm với khoảng 1 tấn cá, giá bán khoảng từ 80.000 - 100.000 đồng/kg. Giờ cá chết hết thế này không biết lấy đâu tiền mà trả bây giờ”.

Ông Nguyễn Văn Vững (ở Lộc Phượng 1, xã Thành Vinh) than thở: “Lồng cá của gia đình tôi đã nuôi được hơn 3 năm nay, nhưng tự nhiên nguồn nước bị ô nhiễm làm toàn bộ hơn 1 tấn cá trong lồng chết hết, con to nhất nặng khoảng 7 kg. Vốn liếng của gia đình có bao nhiêu đổ hết vào mấy lồng cá này, giờ thì mất trắng, gia đình chẳng biết phải làm sao nữa”.

Cá chết không phải do thiên tai

Sáng 9/5, trao đổi với Báo Giao thông, ông Lưu Trọng Quang, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện nay Sở đã cắt cử cán bộ xuống các địa phương để theo dõi, quan trắc chất lượng dòng nước trên sông Bưởi và sự việc này cũng đã được UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo T.Ư. Đồng thời, công an hai tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình đã vào cuộc phối hợp điều tra làm rõ sự việc để xử lý theo quy định.

Trước phát ngôn của ông Phạm Khánh Ly, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, cá chết trên sông Bưởi là vụ việc không lớn, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: “Vụ việc tuy nhỏ nhưng nghiêm trọng vì nó liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường. Vì vậy, chúng ta phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với cơ sở vi phạm. Tôi biết UBND tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng phối hợp với tỉnh Hòa Bình và đã có hướng xử lý. Đơn vị vi phạm sẽ phải bồi thường cho cơ sở, cá nhân bị ảnh hưởng”. Ảnh Dân Trí

“Nguyên nhân ban đầu dẫn tới hiện tượng cá chết được xác định là do ô nhiễm nguồn nước. Nhà máy Mía đường Hòa Bình cũng đã nhận lỗi xả thải (xả thải 300 m3/ngày - đêm) khi chưa qua xử lý do công trình mới đưa vào thử nghiệm. Tuy nhiên, về nguyên nhân chính xác, hiện tại đang chờ kết quả quan trắc của Bộ TN&MT và kết quả điều tra của công an”, ông Lưu Trọng Quang cho biết.

Liên quan đến việc hỗ trợ cho các hộ dân nuôi cá lồng bị ảnh hưởng vừa qua, ông Quang cho hay: “Việc này tỉnh giao cho huyện. Hiện tượng cá chết không phải là thiên tai nên về trách nhiệm hỗ trợ phải chờ cơ quan chức năng kết luận. Ai gây ô nhiễm phải có trách nhiệm hỗ trợ, bồi thường cho dân. Còn huyện cũng đã hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Nếu nguyên nhân do ô nhiễm thì phải xử lý theo đúng pháp luật”.

Ông Bùi Minh Thông, Phó chủ tịch UBND huyện Thạch Thành cho biết: “Qua thống kê, trên địa bàn có 34 hộ dân nuôi cá lồng thuộc 7 xã dọc theo sông Bưởi. Số cá nuôi bị chết tổng cộng trên 17,5 tấn. Riêng cá tự nhiên chưa thống kê hết được. Ngay sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã xuống thăm hỏi, động viên các hộ dân bị ảnh hưởng. Trước mắt, chúng tôi hỗ trợ 20 kg gạo và 2 triệu đồng cho mỗi hộ dân bị ảnh hưởng. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ của các đơn vị đoàn thể khác”.

Trước đó, huyện Thạch Thành đã phát đi nhiều công văn, trực tiếp xuống chỉ đạo các địa phương bị ảnh hưởng bởi nguồn nước. Hệ thống nước sạch cung cấp cho 15 xã được UBND huyện yêu cầu nhà máy nước thị trấn lấy nguồn nước từ các hồ nước khác, không lấy nước ở sông Bưởi. Những hộ dân sống ven sông Bưởi dùng nước sông sinh hoạt lâu nay được khuyến cáo tạm thời ngừng sử dụng, dùng nước máy, giếng khoan.

Đề nghị hỗ trợ kinh phí xử lý ô nhiễm nguồn nước sông Bưởi

Để giải quyết dứt điểm ô nhiễm môi trường nước sông Bưởi, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN&MT, Bộ Công an hỗ trợ cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa xác định nguyên nhân và mức độ ô nhiễm, điều tra vụ việc để xử lý theo quy định của pháp luật; Hỗ trợ kinh phí thực hiện xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nguồn nước sông Bưởi đảm bảo chất lượng nước cho nhân dân ổn định sản xuất và sinh hoạt.

Theo Báo Giao thông

Nguồn bài viết : 24. Nhà Cái K8

Top